Đái tháo đường và bệnh lý tim mạch trung bình mỗi năm gây ra hơn 22 triệu trường hợp tử vong, con số này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng do chế độ ăn uống và lối sống ngày càng theo hướng tiêu cực. Đây không phải là vấn đề của riêng người bệnh, mà còn là nỗi lo của toàn xã hội, là gánh nặng của quốc gia do tiêu tốn 1 nguồn ngân sách khổng lồ.
Những con số đáng báo động trên thế giới
Nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho thấy, trung bình, cứ 2 giây thì sẽ có một người chết do bệnh tim mạch. Cứ 5 giây có một người bị tai biến mạch máu não, 4 giây sẽ có một người bị nhồi máu cơ tim, cứ 3 người tử vong thì có một người mắc bệnh tim mạch. Nguyên nhân tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 6 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh là HIV/AIDS, sốt rét và lao. Dự báo, đến năm 2025 sẽ có khoảng 500 triệu người mắc các bệnh lý về tim mạch trên khắp thế giới.
Thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới International Diabetes Federation (IDF) năm 2013 thế giới có hơn 380 triệu người mắc đái tháo đường type II. Trung bình mỗi năm có 5 triệu người chết vì căn bệnh này. Ước tính mỗi ngày có 3.600 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường được phát hiện, dự đoán đến năm 2035 thế giới sẽ có 592 triệu người mắc đái tháo đường.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh lý tim mạch và đái tháo đường cao nhất thế giới
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Nội tiết Trung ương, năm 2012 nước ta có 5,7% người mắc bệnh đái tháo đường và là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Nguy hiểm hơn khi nghiên cứu của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho thấy, gần 70% số bệnh nhân ĐTĐ không được phát hiện, điều trị và có hơn 85% số bệnh nhân khi được phát hiện đã có biến chứng dẫn đến việc điều trị hết sức khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng phát hiện muộn như vậy do người dân không có thói quen khám sức khỏe định kỳ, chủ quan, kiến thức về chăm sóc sức khỏe còn thấp
Còn các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016 tại Việt Nam. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành từ 18-69 tuổi là 18,9%, trong năm 2015;Tuy nhiên, chỉ có 13.6% bệnh nhân tăng huyết áp được chăm sóc và quản lý tại các cơ sở y tế.
Mối liên quan giữa bệnh tim mạch và đái tháo đường
Đái tháo đường type II thật sự là “kẻ giết người thầm lặng”. Đây là bệnh lý mạn tính tiến triển liên tục với nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng tim mạch, võng mạc, suy thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên… Trong đó, đáng lo ngại nhất là những biến chứng về tim mạch.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Châu Âu, có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tai biến mạch máu não gấp 2 đến 4 lần người bình thường.
Do đó, chẩn đoán và điều trị bệnh lý đái tháo đường sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm, trong đó có biến chứng về tim mạch, đặc biệt với tỷ lệ mắc rất cao tại Việt Nam như hiện nay.
>>> Xem thêm: